Theo đó, tiền lương do hai bên thỏa thuận nhưng chi phí ăn, ở hàng tháng của người giúp việc (nếu có) không được vượt 50% mức tiền lương. Hiện nay, mức lương tối thiểu vùng áp dụng theo các mức tương tứng là 2,7; 2,4; 2,1 và 1,9 triệu đồng/tháng.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 25/5 và không áp dụng đối với người giúp việc gia đình làm việc ở nước ngoài.
Cũng theo nghị định, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế theo quy định. Đồng thời nếu yêu cầu làm việc thời gian ngoài hợp đồng lao động, ngày nghỉ lễ, Tết thì gia chủ cũng phải trả tiền làm thêm ngoài giờ.
Trong trường hợp người giúp việc làm hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc làm mất tài sản thì gia chủ có quyền khấu trừ tiền lương. Tuy nhiên, với người không sống cùng chủ thì mức khấu trừ không quá 30% mức tiền lương hàng tháng. Với người giúp việc sống cùng người sử dụng lao động thì mức khấu trừ không quá 60% mức lương còn lại sau khi trừ đi chi phí ăn, ở hàng tháng nếu có.
Nghị định này cũng quy định về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, thời gian làm việc với người chưa thành niên… Chẳng hạn, người giúp việc phải được nghỉ mỗi ngày ít nhất 8 giờ, trong đó có 6 giờ nghỉ liên tục; mỗi năm được nghỉ 12 ngày hưởng nguyên lương nếu làm việc đủ 12 tháng…
Bên cạnh đó, người giúp việc phải báo trước 15 ngày khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Một số trường hợp cá biệt như ốm đau, tai nạn, không được trả lương đúng kỳ hạn… thì có thể báo trước 3 ngày hoặc thậm chí không phải báo trong một số trường hợp đặc biệt.