Theo Nghị định này, kể từ ngày 25/5/2014, khi có nhu cầu sử dụng người giúp việc: giữa người sử dụng lao động và người lao động giúp việc gia đình phải ký kết hợp đồng, nội dung hợp đồng ghi rõ thỏa thuận về tiền lương, điều kiện ăn ở của người giúp việc, trách nhiệm bồi thường do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị của người sử dụng lao động…; tiền lương bao gồm chi phí ăn ở của người giúp việc gia đình do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng; được trả thêm tiền lương nếu làm ngoài thời gian trong hợp đồng hay ngày lễ, tết; được chi trả thêm một khoản tiền tương đương với mức đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT) để tự mua bảo hiểm… ; thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi được quy định được nghỉ ít nhất 8 tiếng/ngày, trong đó có 6 giờ nghỉ liên tục; số ngày nghỉ bình quân ít nhất 4 ngày/tháng. Ngoài ra, người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm là 12 ngày làm việc và được hưởng nguyên lương …
Đây là những bước tiến đáng mừng trong chính sách bảo vệ quyền lợi người lao động và đưa giúp việc gia đình trở thành một nghề chính thức trong xã hội. Đặc biệt, với việc pháp luật thừa nhận giúp việc gia đình là một nghề cụ thể (không còn bị coi thường là ô-sin, người ở) bắt buộc người sử dụng lao động phải ký hợp đồng lao động với người lao động. Đây là cơ sở để bảo vệ người lao động trước pháp luật nếu tranh chấp xảy ra cũng như tạo điều kiện cho người giúp việc gia đình được đóng BHXH và BHYT như các nghề khác.
Ty nhiên, nếu phân tích kỹ thì việc quy định đóng BHXH và BHYT cho người giúp việc còn có nhiều vấn đề chưa thực sự hợp lý, thiếu tính khả thi, khó áp dụng trong thực tiễn, cụ thể:
Theo Nghị định 27, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để người lao động tự lo bảo hiểm.
Với quy định trên, ngoài khoản tiền lương trả cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng (2,7 triệu đồng/tháng đối với địa bàn thuộc vùng I) như hiện nay thì người sử dụng lao động phải trả thêm một khoản tiền tương đương với mức đóng BHXH bắt buộc, BHYT thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật để người lao động tự lo bảo hiểm. Số tiền chi trả thêm đối với mức lương tối thiểu vùng như hiện nay sẽ rơi vào tối thiểu khoảng 600.000 đồng/ tháng. Như vậy, nếu phải trả thêm tiền cho người giúp việc đóng BHXH, BHYT, chi phí phải trả thêm hàng tháng sẽ bị đội lên rất nhiều.
Mặt khác, việc quy định người sử dụng lao động phải trả một phần cùng với lương để người lao động tự mua BHXH, BHYT sẽ không khả thi trong thực tiễn. Bởi lẽ bản thân gia đình người lao động thường rất nghèo, hoàn cảnh khá khó khăn, thiếu tiền nên mới đi giúp việc để tăng thêm thu nhập. Nếu để tự đóng bảo hiểm, họ sẽ chi dùng cho gia đình ngay chứ không nghĩ tới việc mua BHXH, BHYT để được hưởng chế độ. Thêm vào đó, quy định trả thêm tiền bảo hiểm cho người lao động còn mang tính chất chung chung, thiếu chế tài áp dụng trong trường hợp người sử dụng lao động không thực hiện. Nghị định không nêu rõ ai là người kiểm tra, giám sát nên rất khó có thể kiểm soát và đưa quy định này vào thực tiễn.
Một trong những bất cập, thiếu sót trong quy định này thể hiện ở chỗ: Phần lớn những người giúp việc gia đình đều là người lớn tuổi và trẻ em. Trường hợp người giúp việc trên 55 tuổi, quá độ tuổi để được đóng bảo BHXH, vậy người sử dụng lao động có phải trả thêm khoản tiền này cho người lao động không và nếu không trả thì có vi phạm pháp luật không thì vẫn chưa được Nghị định đề cập tới.
Có thể nói, những quy định trong Nghị định 27/2014/NĐ-CP là bước đột phá lớn về chính sách pháp luật nhằm bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho lao động giúp việc cũng như người sử dụng lao động. Đây chính là cơ sở để bảo đảm quyền và lợi ích của các bên liên quan. Tuy nhiên, Nghị định vẫn còn gặp phải một số vấn đề thiếu sót, vướng mắc trong thực tiễn như đã phân tích ở trên. Thiết nghĩ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì xây dựng Nghị định này sẽ phối hợp các bộ, ngành có liên quan ban hành các thông tư hướng dẫn chi tiết và cụ thể để người dân và các cơ quan quản lý thuận tiện trong việc thực hiện. Đặc biệt, cần có hướng dẫn cụ thể về cách thức xử lý trong trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm luật để Nghị định được triển khai hiệu quả trong thực tiễn.