Hiện nay, tìm người giúp việc đã trở thành một nhu cầu thiết yếu của nhiều gia đình. Nhưng để có được một người giúp việc ưng ý lại là chuyện không hề đơn giản…
 
Về vấn đề này, chị Ngọc Hoa (Thanh Xuân – Hà Nội) đã kể với giọng đầy ấm ức, giận giữ: “Giúp việc gì mà sáng ngủ đến 9h, chiều ngủ đến gần 4h mới dậy. Mình trả lương mỗi tháng 2,5 triệu mà luộc rau thì sống, luộc thịt thì đỏ nguyên. Mấy món đơn giản vậy còn làm hỏng thì làm được gì hơn nữa? Hàng ngày, công việc đâu có gì là nặng nhọc, mỗi việc giặt quần áo em bé, đặt nồi cơm (mình đi chợ và nấu thức ăn) và làm việc lặt vặt cũng không xong. Lau nhà từ tầng 1 lên tầng 4, rửa bát, giặt quần áo người lớn đã có người khác làm. Mình quá chán nản và bị ức chế. Nuôi con không bị stress vì con mà mỏi mệt bởi người giúp việc. Bó tay!…”. Cùng tâm trạng với chị Hoa, chị Thúy Anh (Hoàng Mai – Hà Nội ) cũng trút nỗi niềm: “Nhắc đến người giúp việc là mình thấy toát mồ hôi. Cô ấy hay “ngại việc” và cứ làm theo ý mình nên không thể để chăm em bé của mình. Những việc trong nhà, dù được nhắc suốt nhưng cứ rối tung cả lên. Chẳng hạn lau nhà xong, cô ta giặt giẻ lau vào chậu rửa bát, giặt quần áo thì dùng chậu rửa mặt, lại còn xem tivi suốt ngày, luôn dùng nước nóng tắm gội dù giữa mùa hè, ăn cái gì cũng cho vào lò vi sóng, thường xuyên quên tắt đèn, tắt quạt… Nhiều lúc, rất bức xúc nhưng được cái cũng thật thà nên mình cứ tiếc, định cho nghỉ rồi lại thôi”.

Chọn sao cho đúng?

Chọn được người giúp việc tốt, ưng ý là điều không dễ dàng. Nhưng để tránh những phiền phức có thể xảy ra thì bước đầu, gia chủ cần “sáng suốt” trong việc chọn lựa. Theo kinh nghiệm “xương máu” của chị  Hải Yến (Hà Nội), chọn người giúp việc cần lưu ý 4 điều quan trọng như sau: Thứ nhất, nên thuê người giúp việc ở quê hoặc do người quen họ hàng giới thiệu. Tuy nhiên, dù qua người quen giới thiệu, bạn cũng cần thu xếp để về nhà người giúp việc một lần. Như vậy, nó vừa thể hiện sự quan tâm của chủ nhà, lại giúp bạn biết được hoàn cảnh của họ để dễ xử lý hơn trong một số trường hợp, vừa giúp bạn yên tâm giao con nhỏ và chìa khóa nhà cho người làm. Thứ hai, yêu cầu họ photo công chứng chứng minh thư (hoặc giữ luôn bản chính). Thứ 3, nên tránh tìm người qua các trung tâm giới thiệu vì họ chỉ hưởng tiền môi giới rồi phó thác trách nhiệm khi người giúp việc bỏ làm hay phạm lỗi… Cuối cùng, cần chọn người giúp việc khoẻ mạnh, không mắc các bệnh truyền nhiễm. Chuyện này khá tế nhị nhưng hết sức quan trọng. Bạn có thể thông qua lý do cả nhà đi khám sức khỏe để đưa họ đi khám cùng.

chon nguoi giup viec

Ý kiến của chuyên gia tâm lý

Chuyên gia tâm lý Lã Thị Bưởi – Phòng khám Tuna (Hà Nội) cho biết, không phải cứ có tiền là có thể tìm ngay được người giúp việc. Nhất là hiện nay, do “cầu” cao hơn nên đôi khi phải cầu cạnh, “cung” mới nhận lời đi làm. Không thể phủ nhận có những trường hợp, người giúp việc đã làm mất lòng tin của chủ nhà. Có thể, người giúp việc phần lớn đều ít học nhưng họ cũng là con người nên ngoài công việc phải hoàn thành, họ cũng cần được đối xử tốt, cần được dạy bảo để có thể hoàn thiện mình hơn. Bạn không được “lên mặt” người chủ để quát mắng, soi mói, vắt kiệt sức họ với đồng lương ít ỏi. Chính những quan điểm sai lầm này sẽ đẩy những người giúp việc tới suy nghĩ không hay và bởi vậy, chuyện người giúp việc tốt hay xấu, một phần cũng do lỗi của chủ nhà. Điều quan trọng hơn, khi nhận về giúp việc cho gia đình, bạn đã tìm hiểu kỹ về họ chưa? Tuyệt đối không vì “bí quá” mà nhận bừa một người giúp việc không rõ nguồn gốc để mang vạ vào thân.

Ứng xử với người giúp việc

Có được người giúp việc tốt đã khó nhưng để giữ chân họ càng khó hơn. Vì thế, bạn cần phải đối xử thế nào thật khéo léo để họ cảm thấy được trân trọng, yêu quý và tận tâm gắn bó lâu dài. Theo chuyên gia tâm lý Lã Thị Bưởi, bạn cần hiểu được tâm lý của họ để có cách cư xử phù hợp nhất. Có một số trường hợp cụ thể như sau:

* Dưới 20 tuổi: Đây là lứa tuổi mộng mơ nên đôi lúc, có thể sao nhãng với công việc hoặc có những quyết định bồng bột như tự nhiên xin nghỉ việc, bỏ đi chơi, đôi khi giận hờn vô cớ… Nếu muốn giữ chân họ lâu dài, bạn cần trò chuyện nhiều hơn để biết tâm tư, nguyện vọng của các em, thường xuyên động viên các em điện thoại hỏi thăm người thân cho “đỡ nhớ” (nhưng phải có thời gian cụ thể, tránh tình trạng “nấu cháo” điện thoại). Thỉnh thoảng, mua những món quà hay quần áo mà họ thích. Nếu có điều kiện, bạn nên cho các em đi học thêm các ngành phụ vào thời gian rỗi như cắt may, làm đầu…

* Từ 25 – 45 tuổi: Với dộ tuổi này, người giúp việc đã “chín chắn”, có nhiều kinh nghiệm và cũng “xông xáo” hơn. Vì thế, bạn không mất nhiều thời gian “đào tạo”. Tuy nhiên, để họ gắn bó lâu dài với mình, bạn cần đưa ra mức thu nhập phù hợp. Mỗi khi họ xin về quê, nên mua những món đồ như quần áo, bánh kẹo hay thực phẩm làm quà cho người thân của họ. Vốn sống tốt và có thể còn nhiều tuổi hơn chủ nhà nên có lúc, họ tỏ ra “hách dịch”, mưu mô, khó tính… Do vậy, bạn cần phải nghiêm khắc để họ thấy được ranh giới giữa chủ nhà và người giúp việc. Nhấn mạnh vào việc họ phải tuân thủ và làm theo chính kiến của gia chủ.

* Ngoài 50 tuổi: Ở độ tuổi này, các cô, các bà dễ tự ái, hay quên và sức khỏe không còn được tốt nên cũng không làm được nhiều việc. Với người giúp việc cao tuổi, bạn nên khéo léo một chút, có gì không vừa ý cũng không nên nổi giận với họ, nhất là trước mặt người khác. Trong cách xưng hô, nói năng, bạn cũng cần để ý một chút. Không nên nói theo kiểu ra lệnh, dạy bảo. Nếu không bằng lòng điều gì, bạn nên từ tốn nhưng có quan điểm thẳng thắn để nói chuyện với họ… Đặc biệt, hãy thường xuyên quan tâm, hỏi thăm sức khỏe và mua cho họ những món quà nhỏ ý nghĩa trong những dịp thiết thực nào đó.

Bình luận

comments